Những hoạt động đón năm mới là cần thiết, mang đến niềm vui cho mọi người, song cũng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương không mong muốn. Khi có những vết thương ngoài da, cần được đánh giá, xử trí phù hợp để vết thương mau lành, không ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ.
Với vết thương mới, trước tiên chúng ta cần đánh giá kiểu vết thương (vết cắt, trầy xước, trợt da, bỏng, loét…), vị trí tổn thương, độ rộng, độ sâu, có nhiều dị vật, dơ hay không? Bờ vết thương sạch gọn hay nham nhở? Có đang tiết dịch, nhiễm trùng? Có đi kèm tổn thương mạch máu, thần kinh, gân cơ không? Cần đặc biệt lưu ý đối với những vết thương lâu ngày không lành (trên 4 tuần), mắc kẹt trong giai đoạn viêm mạn tính, cũng như các vết thương trên cơ địa bệnh nhân đặc biệt: lớn tuổi, bệnh lý mạch máu ngoại biên, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị, xạ trị…
Tùy theo đánh giá ở trên về tính chất vết thương và mức độ nghiêm trọng mà chúng ta có cách xử trí phù hợp. Nhìn chung cần xác lập mục tiêu điều trị và kết quả mong muốn, lý tưởng là một vết thương liền kín miệng với bề mặt da bình thường, tuy nhiên không phải lúc nào cũng được như vậy. Thông thường, lớp da giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác động từ bên ngoài. Khi lớp lá chắn này bị xuyên thủng, môi trường vết thương trở nên rất nhạy cảm, mỏng manh. Để đảm bảo lành thương tối ưu, cần đảm bảo một môi trường vô trùng, được che chắn khỏi các chất bẩn, vi sinh vật, đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ, độ pH. Những vết thương tiết dịch nhiều cần được dẫn lưu tốt, thay gạc vô trùng thường xuyên, cũng như loại bỏ các mô chết, dịch tụ là môi trường sinh sôi của vi khuẩn.
Cụ thể, ban đầu vết thương cần được rửa sạch bằng các dung dịch như nước sạch, nước muối sinh lý, nước cất… để các chất bẩn trôi đi. Với vết bỏng, cần rửa dưới vòi nước chảy khoảng 10-15 phút để giúp giảm nhiệt vết thương, ngăn tổn thương do nhiệt lan rộng. Nếu bóng nước hình thành, không phá vỡ nó hoặc cần được làm xẹp trong điều kiện vô trùng bởi nhân viên y tế. Tại cơ sở y tế, nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ cắt lọc, loại bỏ các dị vật, mô chết. Sát trùng vết thương, sử dụng kem bôi có chứa kháng sinh và băng gạc che phủ. Lưu ý các nguyên tắc vô trùng, không chạm khi chăm sóc vết thương. Có thể sử dụng kháng sinh đường uống để dự phòng nhiễm trùng. Cần tiêm phòng uốn ván nếu vết thương dơ hoặc gây ra bởi vật rỉ sét.
Một vết thương khô quá hay ướt quá không phải là một vết thương tốt. Cấp ẩm vừa đủ sẽ giúp vết thương lành nhanh nhất, hạn chế nhiễm trùng. Việc sử dụng băng gạc chuyên dụng phù hợp với tính chất vết thương cũng đóng góp nhiều vào tiến trình lành thương: gạc alginate thấm hút dịch hiệu quả cho các vết thương tiết dịch nhiều; gạc hydrocolloid hỗ trợ cấp ẩm cho vết thương, chống dính; gạc có ion bạc cho các vết thương nhiễm trùng… Các dung dịch rửa vết thương tiên tiến cũng giúp đạt hiệu quả diệt khuẩn nhưng không làm tổn thương thêm mô lành như các sản phẩm rửa vết thương truyền thống (cồn iod, oxy già).
Với các vết thương chăm sóc tại nhà, cần đến cơ sở y tế gặp bác sĩ ngay khi có các vấn đề sau: vết thương không ngừng chảy máu sau 5 - 10 phút; vết thương lộ gân cơ, lộ xương; vết thương quá dơ, quá nhiều dị vật; vết thương quá lớn cần được khâu lại; không lành sau 10 - 15 ngày; có dấu hiệu viêm nhiễm, sưng nóng đỏ đau và các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau nhức cơ, nóng sốt; vết thương do bị cắn.